Kinh doanh nỗi sợ hãi và lời giải lòng tin

Tôi viết ra những dòng này, không phải để tôi và bạn càng sống trong sợ hãi cho người ta kinh doanh nó mà để nhận diện nó, có phản ứng với nó trong tư cách công dân, tế bào xã hội.

1. Chuyện ghi tại một quán nhậu vỉa hè, người bán hàng rong chào hàng bằng giọng địa phương đặc trưng, không vấp một chữ, như một cái máy, từ màn giới thiệu dân ngụ cư đến sản phẩm. Là chả cây, bên ngoài bọc lá chuối, nhìn ai cũng biết. Nhưng đây là chả… quê, không có hàn the, chất bảo quản độc hại có thể gây… chết người, khách được rót vào tai những lời này, tin hay không thì… tùy. Đang chín giờ tối, giá chỉ 5.000 đồng/cây, chẳng biết những cây chả này đã cùng khổ chủ lê la bao nhiêu vỉa hè tương tự qua bao nhiêu ngày, bạn có tin nó… quê như một tính từ đảm bảo sự an toàn?

Điều đó không thật quan trọng. Người mua không vì tin, bao nhiêu thứ không đáng tin trên đời này mà cũng nhắm mắt cho qua, nói cho ngay, ai tin chắc rằng những mồi nhậu nóng hôi hổi trên bàn này là sạch? Cũng có người mua không vì… ăn, họ mua như mua một tờ vé số, vì sự mưu sinh của người bán. Dù là bán hàng rong, người ta cũng thức thời: kinh doanh nỗi sợ hãi!

2. Mỗi ngày ta nhận được bao nhiêu là tin xấu, mà đáng sợ nhất, dồn dập nhất, có lẽ là tin ai đó vừa bị ung thư hay vừa mất vì ung thư. Tin xấu này không hẳn là xấu với các nhà sản xuất các sản phẩm mà sự mất an toàn (nếu có) của nó đang được cho là nguyên nhân gây ra căn bệnh thời sự này. Bạn có bao giờ giật mình nhẩm tính một ngày mình bị dội vào mắt vào tai bao nhiêu quảng cáo về các sản phẩm “không có chất gây ung thư” hay “có khả năng phòng ngừa ung thư”? Tôi chắc là rất nhiều, toàn là những thứ thiết yếu ta ăn, uống hàng ngày, từ chai nước tương, nước mắm, gói mì, lon nước, hộp sữa, hũ xà phòng… trở đi.

An toàn là tốt chứ sao, kinh doanh hướng đến sự an toàn là tốt chứ sao? Vấn đề là không ai biết chúng có thực sự an toàn hay không. Thậm chí, không nhiều người biết nhiều “thần chết” được dựng nên để khiến người tiêu dùng sống trong sợ hãi, để tạo cầu cho các sản phẩm nhân danh an toàn mà độ thỏa dụng tính bằng nhân mạng. Một số trường hợp, rõ ràng người tiêu dùng bị bắt làm con tin trong cuộc chiến triệt hạ đối thủ cạnh tranh của các nhà sản xuất, hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác, chưa được giải thoát.

Ngoài những xì căng đan ngụy tạo về sự không an toàn đã bị bóc trần, hãy thử tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao người ta có thể kinh doanh sự sợ hãi, ngày một ăn nên làm ra? Vì sự không an toàn là có thật và vì xã hội bất lực với sự không an toàn cũng là có thật! Mất vệ sinh, an toàn thực phẩm là vấn nạn tầm quốc gia chưa có giải pháp hữu hiệu…

Bỏ qua yếu tố duy tình trong quyết định mua cây chả nói trên, thật ra, khi trả nhiều tiền hơn bình thường cho những sản phẩm được quảng cáo sạch hơn bình thường, đa số người tiêu dùng mua sự yên tâm chứ không hẳn là sự an toàn. Dù chỉ là mua sự yên tâm hay thật sự được an toàn, cái giá phải trả đều sẽ ngày càng đắt. Người giàu thì độ sẵn sàng chi trả cao hơn. Người nghèo tặc lưỡi, đành chịu, tới đâu hay tới đó, trời kêu ai nấy dạ… Bản thân sự tặc lưỡi cũng là cái giá đắt, chỉ có điều không tính bằng tiền, cho xã hội!

3. Khi một cô ca sĩ nổi tiếng nói rằng “Thực phẩm muốn sạch, lại muốn rẻ thì không ổn… Muốn rẻ thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch…”, cô đã bị dư luận phản ứng đến mức thấy rằng mình bị “sỉ nhục”. Cô đang nói về một thực tế làm ăn kinh doanh chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng hiện nay, mà giá rẻ là một trong những chỉ dấu. Dư luận không phải là không nhìn nhận thực tế đó, chính ra họ đã phản ứng với một thực tế không thể chấp nhận được. Năng lượng trong họ lẽ ra không nên dồn về phía cô ca sĩ có tiếng là ăn ngay nói thẳng, nó nên được chuyển hóa thành đòi hỏi, chất vấn với các nhà quản trị xã hội để hy vọng có thể thay đổi tình hình.

Cần phân tích nội hàm của cái sạch trong câu chuyện này, sạch theo chuẩn hữu cơ thì mắc đúng quá rồi chứ còn gì nữa. Nhưng phàm đã là sản phẩm được bày bán ra thị trường, dù là với giá rẻ, thì dứt khoát chúng phải an toàn chứ không thể như hiện nay. Chúng ta cần thước đo tối thiểu này, cần sự chăm chỉ đo và xử lý trường hợp lệch chuẩn. Trách nhiệm này thuộc về các nhà quản lý!

Trong lúc chờ đợi cuộc sắp xếp lại quản trị quốc gia, từ việc rất hệ trọng là vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh sự sợ hãi cũng cần được đặt trong khuôn khổ. Anh dựng chuyện không an toàn để bán hàng thì dứt khoát là không được, pháp luật sẽ xử lý anh, người tiêu dùng sẽ sử dụng quyền tối thượng – tẩy chay của mình. Anh bán hàng – bán sự an toàn thì rất hoan nghênh nhưng anh phải đảm bảo đó là hàng thật, là an toàn thật, nếu không anh cũng bị xử.

Nếu không, hậu quả sẽ rất lớn. Nó phá hoại lòng tin vốn chỉ còn nhỏ nhoi trong xã hội. Nó đẩy con người ta vào tuyệt vọng, phân rã các tế bào xã hội ra thành những mảnh nhỏ, co cụm trong các thành trì cố thủ. Vốn xã hội, vốn con người tiêu hao…

4. Chúng ta nhìn thấy gì từ phong trào những người có điều kiện tự trồng rau sạch, nuôi gà, nuôi heo để ăn? Điều đó có thật sự thích hợp trong lòng các đại đô thị, nơi giờ đây, đất đai canh tác được tính bằng đơn vị từng cái thùng xốp? Chúng ta đã bước vào kinh tế thị trường hơn 30 năm nay, hình ảnh nền kinh tế tự cung tự cấp lẽ ra nằm trong bảo tàng vì bên ngoài là hàng hóa thừa mứa. Vậy mà…

Trong số các ý kiến phản ứng với phát biểu của cô ca sĩ nói trên, có ý kiến cho rằng chi nhiều tiền chắc gì đã mua được thực phẩm sạch, rằng “giàu vẫn có thể xơi thực phẩm độc…”. Hẳn cô ca sĩ này biết rõ điều đó, những gì tự trồng, tự nuôi được thì cô ấy đã làm, trong cả một trang trại chứ không chỉ cái thùng xốp. Có điều, nếu tới mức nguồn nước và không khí cũng ô nhiễm, trở nên độc hại, thì cái sự tự lo cho mình của bất cứ ai cũng trở thành… bất khả. Chúng ta đang sống trong chằng chịt các mối liên hệ, sự liên kết đồng bộ, trong tin tưởng, một cách có dẫn dắt mới là giải pháp chứ không phải là sự cố thủ.

Nhìn rộng ra cuộc sống hiện nay, sự sợ hãi đang được tận dụng như môi trường để kinh doanh nhiều dịch vụ thiết yếu khác như y tế, giáo dục chứ không riêng gì thực phẩm.

Bạn đi khám bệnh, một bệnh tưởng như đơn giản là viêm họng nhưng bác sĩ chỉ định bạn đi làm đủ thứ xét nghiệm tốn kém, bạn có dám kiên quyết từ chối, đánh cược với rủi ro mắc bệnh gì đó nghiêm trọng hơn mà bác sĩ treo lơ lửng trước mắt mình? Có thể bạn chưa biết, ngay trong nội bộ bệnh viện, bác sĩ có thể được hưởng hoa hồng vì những chỉ định xét nghiệm tuy không cần thiết nhưng tạo ra doanh thu, báo chí viết đầy ra đấy.

Con bạn đến trường, thầy cô nói về đủ thứ nguy cơ nếu con bạn không đi học thêm, kể cả nguy cơ bị… trù dập (được thể hiện một cách khéo léo), bạn quyết định thế nào?

Nếu chúng ta không cam tâm sống trong sợ hãi, dù đó là nỗi sợ có thật hay không, thì ắt sẽ có giải pháp. Các nhà quản lý cần nhìn thấy ánh sáng của giải pháp từ sự không cam tâm này, cần tạo nền tảng thể chế và công cụ đảm bảo nó để người với người có thể tin nhau, mà sống cho tử tế, khỏe mạnh. Nếu không, chúng ta vẫn cứ sống trong sợ hãi, vẫn cứ mất an toàn.

Và bản thân nỗi sợ hãi cũng là một trạng thái không an toàn, bạn có nghĩ vậy không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *